Khi nào Việt Nam phát hành hộ chiếu sinh trắc học?

Khi nào Việt Nam phát hành hộ chiếu sinh trắc học?

Hộ chiếu sinh trắc học (hay còn gọi là hộ chiếu điện tử, hộ chiếu số, e-passport,…) là một dạng hộ chiếu truyền thống được gắn một chíp vi xử lý trong đó lưu trữ thông tin sinh trắc học có thể dùng để xác nhận thông tin, danh tính của người được cấp hộ chiếu.

Chip điện tử được lưu trữ trong hộ chiếu sinh trắc học bao gồm họ tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu,… như hộ chiếu thông thường và một (hoặc một số) thông tin sinh trắc học như vân tay, móng mắt, khuôn mặt tùy theo quy định của riêng từng quốc gia phát hành.

Quy định về mô tả hộ chiếu sinh trắc học được quy định theo mẫu trong Tài liệu 9303 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Một trong những cách nhận diện loại hộ chiếu này đó là logo nhỏ trông như chiếc máy ảnh ở ngoài bìa hộ chiếu.

Hộ chiếu sinh trắc học có ưu điểm tăng tính xác thực, bảo mật cao, tránh hạn chế giả mạo hộ chiếu và nhằm thắt chặt an ninh biên giới để hạn chế chủ nghĩa khủng bố. Đồng thời, nó còn có tính năng giúp quá trình truyền tải thông tin từ hộ chiếu sang hệ thống quản lý xuất nhập cảnh chuẩn xác và an toàn hơn. Qua đó hộ chiếu sinh trắc học có thể giúp cho cơ chế nhập cảnh của công dân chính quốc gia đó trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Theo Brenda Sprague, Thư ký bộ phận Dịch vụ Hộ chiếu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, “thông tin trên chip điện tử chỉ có thể đọc được khi nằm trong khoảng 15 cm tới máy quét. Các thiết bị quét sẽ không thể truy cập dữ liệu trên con chip nếu hộ chiếu đóng, nhờ lớp băng dính bảo mật đặc biệt chìm trên tấm bìa”.

Người dùng hộ chiếu có thể sẽ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, tuy nhiên theo thông tin từ ICAO, chip được lưu trữ trên hộ chiếu sinh trắc học không có chức năng theo dõi, đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân người sử dụng. Ngoài ra, chip còn được hoạt động bởi hệ thống Basic Access Control, có nhiệm vụ bảo vệ kết nối không dây giữa chip với đầu đọc bằng cách mã hóa thông tin được truyền đi, do đó sẽ không thể dễ dàng để đánh cắp thông tin từ chip.

Hiện nay trên thế giới có hơn 150 quốc gia trên thế giới sử dụng hộ chiếu sinh trắc học, trong đó đa số là các quốc gia phát triển, các nước trong khu vực liên minh châu Âu và một số nước Nam Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ còn riêng Việt Nam và Myanmar vẫn sử dụng hộ chiếu truyền thống, kể cả Campuchia và Lào cũng đã phát hành hộ chiếu sinh trắc học từ năm 2014 và 2016.

Do đó, trước sự phổ biến và những tính trăng vượt trội của nó so với hộ chiếu thông thường, Việt Nam cũng đang tiến tới thực hiện hộ chiếu sinh trắc học trong thời gian sắp tới. 7 năm trước, Quyết định 2135/QĐ-TTg ngày 22/11/2010  của Thủ tướng Chính phú phê duyệt đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam” được ban hành, theo đó mục tiêu ở giai đoạn 1 từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2012 sẽ đầu tư sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử ở trong nước. 

Tuy nhiên, đến hiện nay, hộ chiếu điện tử vẫn chưa được triển khai thực hiện. Vừa qua, vào ngày 10/12/2018 theo khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông được gắn chíp điện tử để lưu trữ thông tin về sinh trắc học, nhân thân của người được cấp và chữ ký số của cơ quan cấp. Nếu dự thảo Luật này được thông qua, dự kiến hộ chiếu điện tử sẽ được cấp kể từ ngày 01/07/2020.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến hộ chiếu sinh trắc học xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.