Giảm Vốn Điều Lệ Của Công Ty Cổ Phần
Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ bằng những cách nào?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại và vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Theo đó, Công ty cổ phần trong những trường hợp nhất định có thể thay đổi vốn điều lệ trong những trường hợp sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong Công ty;
- Công ty mua lại cổ phần đã phát hành;
- Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Thứ nhất, Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông:
Với trường hợp này, việc quyết định hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông dựa trên Quyết định của Đại hội đồng cổ đông nếu Công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.
Để nghị quyết về nội dung hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông được thông qua thì tỷ lệ cụ thể thông qua nghị quyết do Điều lệ công ty quy định cụ thể. Công ty có thể quy định tỷ lệ ít nhất là 65% theo Điều 144.1 Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc ít nhất 51% theo Điều 144.2 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thứ hai, Công ty mua lại cổ phần đã phát hành:
Với trường hợp này, Công ty có thể (i) mua lại cổ phần theo quyết định của Công ty (Điều 130 Luật Doanh nghiệp năm 2014); và/hoặc (ii) mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông (Điều 129 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Trong trường hợp mua lại cổ phần theo quyết định của Công ty, tổng số cổ phần được mua lại không quá 30% cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán. Quyền quyết định tổng số cổ phần mua lại của từng loại nếu không quá 10% sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, các trường hợp khác việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Trường hợp cổ đông yêu cầu Công ty mua lại số cổ phần họ đang sở hữu được áp dụng nếu cổ đông đó đã biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Công ty mua lại cổ phần của mình. Đồng thời, cổ đông đó phải có văn bản thể hiện yêu cầu và đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 129 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Cả hai trường hợp Công ty mua lại cổ phần đã phát hành như nêu trên đây thì Công ty chỉ được quyền thanh toán cổ phần nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Thứ ba, Công ty thay đổi vốn điều lệ do vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
Theo đó, Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.
Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến chủ đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
[kkstarratings]