lam-partime-freelancer-ky-hop-dong

Làm Part-time và Freelance cần phải ký hợp đồng gì?

Làm việc part-time và Freelancer liệu có cần ký hợp đồng? Nếu có thì sẽ ký hợp đồng gì? Để trả lời câu hỏi trên. Mời bạn đọc cùng LTT & Lawyers tham khảo bài viết dưới đây.

Hiện nay, giữa Doanh nghiệp và các nhân viên có nhiều hình thức làm việc khác nhau như làm việc toàn thời gian (làm việc full-time), làm việc bán thời gian (làm việc Part-time), làm việc freelance (làm việc theo chế độ tự quản, không bị giới hạn về thời gian, quy định, nơi chốn làm việc).

Theo đó, hình thức làm việc chính thức sẽ phải được thực hiện thông qua Hợp đồng lao động, gồm các loại: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động 2012)

Vậy còn hình thức làm việc bán thời gian thì nhân viên Part-time và Freelance sẽ cần phải ký hợp đồng gì với doanh nghiệp?

Làm việc Part-time ký hợp đồng gì?

Xét về hình thức làm việc Part-time (hay làm việc bán thời gian), đây là cách gọi phổ biến được dùng trong giao tiếp, tuyển dụng hàng ngày. Vậy theo Bộ luật lao động, hình thức làm việc này được quy định ra sao?

Điều 34, Bộ luật lao động 2012, Người lao động làm việc không trọn thời gian:

1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc quy định của người sử dụng lao động.

2. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.

3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.”

Theo quy định trên, thực chất làm việc Part-time vẫn được xem là một hình thức của quan hệ lao động giữa Người sử dụng lao động và Người lao động, được đối xử bình đẳng và có quyền, nghĩa vụ tương đương với Hình thức làm việc toàn thời gian, chỉ khác về thời giờ làm việc mỗi ngày.

Do đó, dù bạn làm việc Part-time hay Full-time, doanh nghiệp có trách nhiệm phải tiến hành ký kết Hợp đồng lao động với bạn và đảm bảo các quyền lợi theo quy định pháp luật lao động.

lam-viec-freelancer-thi-ky-hop-dong-gi
Làm freelancer cũng cần có hợp đồng

Làm việc Freelance ký hợp đồng gì?

Làm việc Freelance là một hình thức làm việc không phải ký hợp đồng lao động với công ty. Tuy nhiên, giữa Freelancer (Người làm việc theo hình thức Freelance) và người sử dụng dịch vụ có thể ký kết Hợp đồng dịch vụ, theo quy định tại:

Điều 513 của Bộ luật dân sự 2015. Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”

Cần lưu ý rằng không phải lúc nào giữa Freelancer và người sử dụng dịch vụ đều có thể ký kết hợp đồng dịch vụ nêu trên. Điều 3.1 của Nghị định 39/2007/NĐ-CP đã quy định các trường hợp được xem là hoạt động cung cấp dịch vụ của Cá nhân hoạt động th­ương mại, cụ thể như sau:

“Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại.

Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”

Bên cạnh đó, Nghị định 39/2007/NĐ-CP cũng liệt kê ra các trường hợp không được kinh doanh dịch vụ của cá nhân như sau:

Điều 5. Phạm vi về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại

1. Cá nhân hoạt động th­ương mại đ­ược phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất l­ượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất l­ượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh;

c) Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.”

Do đó, nếu cá nhân Freelancer kinh doanh các dịch vụ thuộc phạm vi cho phép và cá nhân đó không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh như trên thì được tiến hành cung cấp dịch vụ cho đơn vị khác và nhận tiền dịch vụ, thông qua Hợp đồng dịch vụ.

Ngoài ra, các Freelancer cũng cần phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về thuế, giá, phí và lệ phí liên quan đến dịch vụ kinh doanh.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến chủ đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 862.707.278
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 3, Số 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.