4 Điểm Mới Cần Lưu Ý Theo Nghị Định 82/2022
Sắp tới vào ngày 22/12/2022, Nghị định số 82/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất sẽ có hiệu lực thi hành. Vậy liệu có những sự thay đổi nào và có những điều gì cần lưu ý cho các nhà đầu tư, doanh nhân khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp/giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho người đọc về vấn đề này.
1. Bổ sung thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Giấy phép sản xuất và kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
Xuất phát từ đề xuất của nhiều cơ quan góp ý tại các địa phương như Khánh Hòa, Hải Phòng, Sơn La, Hưng Yên, Đà Nẵng, Hà Nội, … nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vừa có hoạt động sản xuất lại vừa có hoạt động kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp/hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể hoạt động bổ sung, sửa đổi mới được thể hiện như sau:
a) Việc bổ sung thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định gián tiếp thông qua quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định 82/2022/NĐ-CP về thành phần của Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp như sau:
i) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp;
ii) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
iii) Bản kê khai từng cơ sở sản xuất, địa điểm kinh doanh hóa chất;
iv) Bản sao quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với từng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất;
v) Bản sao văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Có thể bạn quan tâm Những Điểm Mới Về Hoạt Động Cho Thuê Lại Lao Động Trong Nghị Định 29/2019/NĐ-CP
Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
vi) Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng từng cơ sở sản xuất, địa điểm kinh doanh hóa chất, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho chứa, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất, kho chứa hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa, Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;
vii) Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất;
viii) Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất; Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;
ix) Bản sao quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân theo quy định
x) Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định.
b) Việc bổ sung thêm Giấy phép sản xuất và kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được quy định gián tiếp thông qua quy định tại điểm c khoản 8 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP về thành phần của Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất và kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp như sau:
i) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sản xuất và kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP;
ii) Các giấy tờ quy định từ điểm b đến điểm k khoản 3 Điều 10 của Nghị định này;
iii) Thuyết minh quy trình công nghệ sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
2. Thay đổi trong yêu cầu liên quan đến việc huấn luyện hóa chất trong việc nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
Theo quy định tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP thì hiện nay tổ chức, cá nhân có đề nghị cấp giấy phép/giấy chứng nhận thì chỉ cần cung cấp bản sao quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức cá nhân theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 34 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Nghị định mới đã đơn giản hóa tương đối nhiều yêu cầu so với quy định cũ trước đây tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP đó là yêu cầu phải nộp bản sao bộ hồ sơ huấn luyện hóa chất theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP (đã được giản lược đi 04 bộ tài liệu tài liệu rườm rà như Bằng tốt nghiệp của giảng viên, bằng chứng về kinh nghiệm hoạt động an toàn hóa chất, giáo trình về huấn luyện an toàn hóa chất … cho người nộp). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận/giấy phép.
Có thể bạn quan tâm Nhiều Chính Sách Ưu Đãi, Hỗ Trợ Cho Doanh Nghiệp Khoa Học Và Công Nghệ Trong Nghị Định Mới
3. Bổ sung các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
Tại khoản 4 Điều 1 và khoản 9 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP có bổ sung cho Điều 10 và Điều 16 Nghị định 113/2017/NĐ-CP về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể là các trường hợp sau:
i) Hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tạo thành hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân;
ii) Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.
Quy định trên nhằm giảm thiểu thủ tục cấp phép, cấp giấy chứng nhận đối với các đối tượng này. Xuất phát từ việc theo quy về định nghĩa “sản xuất hóa chất” tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) thì hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất được coi là hoạt động sản xuất hóa chất. Theo đó, mặc dù các hoạt động này chỉ là công đoạn sơ chế nguyên liệu trong quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa, các hóa chất được tạo thành không được đưa ra thị trường. Tuy nhiên hiện nay theo quy định này thì các tổ chức, cá nhân hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất tạo ra các hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh/ hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân thì phải xin cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, quy định này cũng được ra đời để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định hàm lượng vết. Trước thực trạng một số hỗn hợp chất có hàm lượng thành phần rất nhỏ thuộc danh mục hóa chất cần cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép (hàm lượng ppm, hoặc pm), hàm lượng vết này đôi khi lại không được phát hiện ngay. Do đó, các tổ chức, cá nhân thường xuyên gặp khó khăn trong việc xác định hàm lượng vết trong hỗn hợp khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.
4. Thay đổi về cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp
Theo đó, tại quy định ở khoản 3 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung cho khoản 4 Điều 10 Nghị định 113/2017/NĐ-CP) thì thẩm quyền này chuyển từ Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh sang Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính.
Cần lưu ý rằng, Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính trong quá trình thẩm định và xem xét việc cấp giấy thì phải tiến hành lấy ý kiến từ Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp họ có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương khác với địa phương đặt trụ sở chính.
Có thể bạn quan tâm NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH
Trên đây là những thông tin mà LTT & Các Cộng Sự muốn gửi đến bạn đọc về một số nội dung nổi bật trong quy định mới tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Nếu bạn đọc muốn trao đổi hoặc tư vấn kỹ hơn về vấn đề này, xin hãy vui lòng liên hệ với LTT & Các Cộng Sự để được hưởng dẫn và tư vấn tận tình.