mua-nha-o-tai-viet-nam

MUA NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI CẦN BIẾT

Mua nhà ở tại việt nam: Việt Nam là một đất nước thu hút rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, khám phá văn hóa ngoài ra cũng là một đất nước lý tưởng để người nước ngoài đầu tư, học tập và sinh sống. Chính vì lẽ đó, nhu cầu mua nhà của các cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là tương đối lớn. Tuy nhiên, do không am hiểu về quy định pháp luật Việt Nam không ít cá nhân, tổ chức nước ngoài băn khoăn, gặp nhiều khó khăn mua nhà tại Việt Nam. Bài viết dưới đây không chỉ giải đáp thắc mắc trên mà còn giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về điều kiện để cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.

1. Những tổ chức, cá nhân nước ngoài nào được mua nhà ở tại Việt Nam?

Theo Khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 tổ chức, cá nhân nước ngoài được: “Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, Tổ chức, cá nhân chỉ đươc mua căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên để được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện nhất định:

  • Điều kiện với tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài):
  • Đang hoạt động tại Việt Nam;
  • Có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà, thuê mua nhà ở.
  • Điều kiện với cá nhân nước ngoài
  • Được phép nhập cảnh tại Việt Nam, có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam;
  • Không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
mua-nha-o-tai-viet-nam

2. Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

  • Đối với tổ chức nước ngoài

Hiện nay, theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ởKhoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho tổ chức đó.

Trường hợp tổ chức nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu nhà ở hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì nhà ở này được tổ chức, cá nhân đang quản lý nhà ở được tiếp tục quản lý và không được thực hiện các quyền bán, cho thuê mua, tặng cho, để thừa kế, thế chấp, cho thuê, góp vốn nhà ở này; việc bàn giao lại nhà ở này được thực hiện trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày xác định được chủ sở hữu nhà ở.

Trong trường hợp trong thời hạn sở hữu mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.

  • Đối với cá nhân nước ngoài

Căn cứ vào Điểm c khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ởkhoản 3 Điều 7 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, cá nhân nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam được sở hữu tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận.

Khi hết thời hạn sở hữu ghi trong giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu nhà ở đó có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn.

  • Lưu ý về trình tự, thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

Tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ thực hiện việc gia hạn theo trình tự, thủ tục như sau theo quy định tại Điều 77 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP:

Bước 1: Nộp Hồ sơ đề nghị gia hạn

Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng, chủ sở hữu sẽ phải nộp Hồ sơ bao gồm Đơn ghi rõ thời hạn đề nghị gia hạn thêm và kèm theo Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đối với nhà ở, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động (chỉ đối với tổ chức nước ngoài) và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó xem xét, giải quyết.

Bước 2: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và gia hạn

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của chủ sở hữu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và có văn bản đồng ý gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nhưng tối đa không quá thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động (đối với trường hợp là tổ chức nước ngoài) và tối đa không quá 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên Giấy chứng nhận đối với nhà ở (đối với cá nhân nước ngoài).

Cần lưu ý rằng căn cứ văn bản đồng ý gia hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm ghi gia hạn trên Giấy chứng nhận; cơ quan cấp Giấy chứng nhận phải sao một bản Giấy chứng nhận và chuyển cho Sở Xây dựng để theo dõi.

Trên đây là những thông tin mà LTT & Các Cộng Sự muốn gửi đến bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu. Nếu bạn đọc muốn trao đổi hoặc tư vấn kỹ hơn về cách thức mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, xin hãy vui lòng liên hệ với LTT & Các Cộng Sự để được hưởng dẫn tận tình.