hop-dong-thi-cong

6 lưu ý về hợp đồng thi công mà bạn cần lưu ý

Những điều cơ bản cần lưu ý đối với hợp đồng thi công

1. Nội dung hợp đồng

Bên cạnh những nội dung cần lưu ý của một hợp đồng cơ bản bình thường, đối với hợp đồng thi công, nội dung hợp đồng là một điều khoản cần phải được xây dựng rõ ràng đầu tiên. Tại đây, chúng ta xác định phạm vi công việc mỗi bên phải thực hiện, từ đó xây dựng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng này. Ngoài ra, một công trình thi công có thể sẽ có nhiều hạng mục, nhiều nhà thầu con. Vì vậy phải xác định chính xác phạm vi công việc để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, tránh cả việc phát sinh các công việc không nằm trong hợp đồng dẫn tới chi phí ngoài dự toán.

2. Nghiệm thu công trình

Nghiệm thu là một công đoạn quan trọng và là cơ sở xác định những nghĩa vụ khác trong hợp đồng thi công. Để đảm bảo việc nghiệm thu được thực hiện một cách rõ ràng và tránh tranh chấp thì cần chú ý thỏa thuận rõ những tiêu chí sau:

– Chất lượng công trình, hạng mục có đúng như tiêu chuẩn đề ra hay không;

– Những ai tham gia công đoạn nghiệm thu, có thẩm quyền tham gia nghiệm thu hay không, chữ kí của những người/Bên tham gia,…

Công đoạn nghiệm thu được xem như hoàn thành khi tất cả các bên đều xác nhận đồng ý nghiệm thu công việc mà không có bất kỳ ý kiến, yêu cầu khắc phục, sửa chữa nào khác.

3. Thời hạn của mỗi công việc

Những quy định về thời hạn nhằm đảm bảo công việc được hoàn thành đúng thời hạn để đi vào hoạt động, tránh gia hạn nhiều lần và xác định trách nhiệm trong trường hợp công trình bị bỏ ngang trong quá trình hoàn thiện. Các loại thời hạn trong hợp đồng thi công bao gồm:

– Thời hạn hoàn thành công trình;

– Thời hạn khắc phục, sửa chữa (lưu ý về số lần được sửa chữa, thời hạn tối đa để sửa chữa…);

4. Thời điểm thanh toán

Thanh toán theo từng giai đoạn công trình hoàn thành cũng là một trong những điểm đặc thù của hợp đồng thi công. Bên có nghĩa vụ thanh toán sẽ thanh toán theo từng giai đoạn, vừa chia nhỏ tổng tiền thanh toán, vừa giúp bên thi công có nguồn vốn để tiếp tục công việc. Tuy nhiên, tại điều khoản này cần phải quy định rõ những thời điểm thanh toán sẽ tương ứng với gian đoạn nào của thi công, có những sự kiện/giấy tờ nào để làm căn cứ tính thời điểm, và cần phải lưu ý những thời điểm trong hợp đồng quy định cũng phải phù hợp với điều kiện thi công và mua vật tư thực tế.

Ngoài ra, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của Nhà thầu, trong hợp đồng có thể quy định thêm nghĩa vụ bảo lãnh. Điều khoản này bảo vệ bên thi công khỏi những rủi ro do việc không thanh toán gây ra.

5. Bảo hành

Công trình sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động có thể cần được bảo hành. Số tiền bảo hành có thể nằm vào khoảng 5% tổng giá trị hợp đồng và được giữ lại cho đến hết thời gian bảo hành. Trường hợp có chứng thư bảo hành của Ngân hàng thì có thể thanh toán hết mà không giữ phí bảo hành, tùy thỏa thuận của các bên.

6. Phạt vi phạm, đơn phương chấm dứt hợp đồng

Vì đặc thù công việc có rất nhiều công đoạn, tất nhiên sẽ không tránh khỏi việc có sai sót. Việc vạch ra ranh giới giữa những hành vi sai phạm và hành vi khác trong quá trình làm việc là cần thiết. Tuy nhiên, cần phân biệt có những sai sót có thể khắc phục hoặc cảnh cáo không tái phạm để công việc tiếp tục được hoàn thành; có những sai sót mà mức độ nghiêm trọng đủ để là căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Bên cạnh việc xác định sai phạm là chế tài để xử lý vi phạm. Không nên né tránh điều khoản này, hoặc quy định sơ sài vì sợ mất lòng đôi bên, bởi nếu xác định sai phạm mà không có chế tài xử lí thì cũng chỉ vô ích, công việc vẫn không thể giải quyết. Việc quy định rõ chế tài không chỉ nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm các bên không vi phạm hợp đồng mà còn là biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm trước hành vi của đối phương. Thông thường, chế tài xoay quanh các vấn đề sau:

– Phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc chậm hoàn thành công việc theo yêu cầu. Trường hợp vi phạm diễn ra quá số ngày hai bên thỏa thuận thì bên bị vi phạm được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường…

hop-dong-thi-cong

– Thỏa thuận bồi thường thiệt hại: Thiệt hại tới đâu bồi thường tới đó hoặc theo tỷ lệ hai bên thỏa thuận.

Nếu một công việc nào đó trong dự án thi công công trình do vi phạm mà chậm trễ, hư hỏng sẽ như hiệu ứng domino, gây ảnh hường đến các công việc hoặc hạng mục khác hoặc thậm chí ảnh hưởng đến cả dự án. Dự án càng lớn, càng nhiều công đoạn thì thiệt hại sẽ càng lớn. Thiệt hại lớn đồng nghĩa với trách nhiệm bồi thường lớn cho cả tất cả các bên có liên quan: Chủ đầu tư, Đơn vị tư vấn, Đơn vị thi công… Mà những hợp đồng Tư vấn giám sát, Thẩm định thiết kế kỹ thuật, Khảo sát địa hình… thường chỉ có giá trị nhỏ hơn rất nhiều lần so với tổng số vốn đầu tư của dự án, vậy nên thông thường các đơn vị Nhà thầu/ Nhà tư vấn nhỏ rất sợ điều khoản bồi thường thiệt hại này và thường không nhắc tới trong hợp đồng vì sẽ mang tới rủi ro quá lớn. Nhưng để bảo vệ quyền lợi của Chủ đầu tư/Bên thuê dịch vụ thì nên lưu ý Hợp đồng phải có điều khoản bồi thường thiệt hại. Quy định này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của Nhà thầu/ Bên tư vấn. Do đó, để cân bằng quyền và lợi ích của cả các bên, các bên nên thỏa thuận để đưa ra những điều khoản và mức bồi thường hợp lý nhất để công việc được hoàn tất suôn sẻ.

Trên đây là Những lưu ý về hợp đồng thi công mà bạn cần lưu ý. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các vấn đề pháp lý về hợp đồng thi công, hợp đồng nhà thầu, hợp đồng xây dựng…vui lòng liên hệ với LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.