QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: HÀNH TRÌNH “LAN TỎA” GIÁ TRỊ HAY “THỔI PHỒNG” CÔNG DỤNG

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ quảng cáo thực phẩm chức năng (cụ thể là thực phẩm bổ sung) không có căn cứ khoa học, “thổi phồng” công dụng khiến nhiều người hiểu nhầm đây là sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh như thuốc đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận và cơ quan chức năng. Đặc biệt, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok,…thì tình trạng này diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp nếu vi phạm quy định về quảng cáo. 

Vậy người dùng đã thật sự tìm hiểu về hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng chưa? Liệu rằng những lời quảng cáo rầm rộ có thực sự phản ánh đúng giá trị sản phẩm hay chỉ là những “cú nổ” truyền thông nhằm đánh lừa lòng tin của người tiêu dùng?  

Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này của LTT&Lawyers!  

1. Thực phẩm chức năng là gì 

Người đọc có thể xem thêm thông tin chi tiết tại đường link trên: Thực phẩm chức năng là gì.docx 

2. Quảng cáo đối với thực phẩm chức năng 

  • Yêu cầu khi đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm  

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, không phải tất cả các loại thực phẩm đều cần phải đăng ký nội dung quảng cáo trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đối với một số loại thực phẩm chức năng, Nhà nước yêu cầu phải thực hiện thủ tục đăng ký để đảm bảo tính chính xác, khoa học và minh bạch trong hoạt động quảng bá sản phẩm.  

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các loại thực phẩm bắt buộc phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo bao gồm: 

  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.  
  • Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, trừ các trường hợp bị cấm quảng cáo theo Điều 7 của Luật Quảng cáo. 

Như vậy, doanh nghiệp khi quảng cáo các nhóm thực phẩm trên phải thực hiện thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật. Trong đó, thực phẩm bổ sung không thuộc loại sản phẩm đặc biệt Đăng ký nội dung trước khi quảng cáo nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quảng cáo. 

  • Quy định chung đối với quảng cáo sản phẩm thực phẩm  

Nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm cần đáp ứng những yêu cầu sau: 

  • Bảo đảm tính trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo (quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012) 
  • Phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm (Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo).  

Bên cạnh đó, việc sử dụng tiếng nói và chữ viết khi quảng cáo sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012. Theo đó, nội dung quảng cáo sản phẩm phải được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt và luôn được ưu tiên thể hiện trước tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số khi nội dung quảng cáo được thể hiện bằng cả tiếng Việt và ngôn ngữ khác trên cùng một sản phẩm quảng cáo. Trong một số trường hợp được quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012, nội dung quảng cáo sản phẩm vẫn có thể được thể hiện bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số mà không bị bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng Việt toàn bộ nội dung, cụ thể: 

“a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;  

b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.”

Ngoài việc tuân thủ các quy định chung về quảng cáo, nội dung quảng cáo thực phẩm còn phải đáp ứng các điều kiện theo khoản 1, 2, 3 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

  • Trước khi thực hiện quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định pháp luật.  
  • Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.  
  • Không được sử dụng các hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. 
  • Quy định đối với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe 

Theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định: 

  • Phải có khuyến cáo: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” (Khuyến cáo này phải được viết rõ ràng, có màu tương phản với màu nền) 
  • Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình: Phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định.  
  • Nếu quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng dưới 15 giây: Không bắt buộc đọc khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng phải hiển thị khuyến cáo trong quảng cáo. 

3. Quảng cáo không đúng sự thật 

Theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì quảng cáo sai sự thật được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.  

Có thể thấy rằng trong thế giới quảng cáo thực phẩm chức năng, ranh giới giữa “cung cấp giá trị” và “hiểu sai giá trị” do việc quảng cáo không đúng sự thật để lại mong manh hơn bao giờ hết. Do đó, người dùng nên có sự chọn lọc, tìm hiểu kỹ lưỡng về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng để tránh nhận về hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe.  

 

Như vậy, để mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt về sức khỏe thì những cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện quảng cáo cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo nội dung quảng cáo đúng sự thật, tránh các vi phạm, rủi ro hay phản ứng tiêu cực có thể phát sinh khi, đồng thời người dùng nên có sự sáng suốt khi tiếp cận các quảng cáo thực phẩm chức năng. 

Đặc biệt, hãy theo dõi bài viết tiếp theo của LTT&Lawyers để hiểu rõ hơn về mức xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp cho cơ quan, doanh nghiệp của bạn nhé!