Thay đổi họ tên trong CMND được hay không?
THAY ĐỔI, THÊM TÊN GỌI KHÁC VÀO CMND, SỔ HỘ KHẨU CÓ ĐƯỢC HAY KHÔNG?
Hiện nay, do nhu cầu công việc hoặc một số nhu cầu cá nhân khác, một số người thường có mong muốn thêm tên gọi khác vào chứng minh nhân dân (“CMND”), đổi tên CMND hoặc thêm tên vào sổ hộ khẩu (đặc biệt là tên gọi bằng tiếng nước ngoài) ngoài họ và tên đã có trong CMND, sổ hộ khẩu của mình.
Tuy nhiên, việc thêm tên gọi mới không phải ai cũng được thực hiện hay nói cách khác là không phải lúc nào cũng được pháp luật cho phép.
Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ quy định về việc cá nhân được phép thay đổi từ tên gọi này sang tên gọi khác nhưng không quy định việc thêm tên gọi “mới” vào CMND và sổ hộ khẩu bên cạnh tên gọi đã có. Theo quy định của Bộ luật dân sự công dân chỉ được quyền thay đổi tên trong một số trường hợp nhất định được quy định tại Điều 28, Bộ luật dân sự.
Theo đó, việc thay đổi tên phải thỏa mãn những căn cứ về thay đổi tên như:
(i) Thay đổi theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
(ii) Thay đổi tên của con nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
(iii) Thay đổi tên theo yêu cầu của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình, người đã xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính;
(iv) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và
(v) Một số trường hợp khác.
Liên quan đến việc thêm tên gọi khác, việc thêm tên gọi khác chỉ được Pháp luật cho phép trong trường hợp “Bổ sung hộ tịch” – Bổ sung tên thường gọi. Theo đó, trước khi tiến hành thêm tên tên thường gọi vào CMND hoặc sổ hộ khẩu, cá nhân cần thực hiện những thủ tục bổ sung hộ tịch, làm cơ sở cho việc thực hiện thủ tục Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu (thay đổi họ và tên) theo quy định của Luật cư trú cũng như thủ tục cấp đổi CMND.
Về việc bổ sung hộ tịch:
Theo quy định tại Điều 4.13 Luật hộ tịch thì “Bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký”. Do đó, việc thêm tên gọi có thể được xem là bổ sung hộ tịch khi một cá nhân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật những thông tin hộ tịch còn thiếu.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật chỉ cho phép bổ sung thông tin hộ tịch còn thiếu, tức cá nhân cần chứng minh được tên gọi mà họ muốn thêm vào là tên thường gọi, đã được sử dụng trước đó trong các giấy tờ như bằng cấp, chứng chỉ và các giấy tờ nhân thân khác có sử dụng tên thường gọi. Việc thêm một tên gọi hoàn toàn mới là không được pháp luật cho phép.
Bên cạnh đó, hiện nay, một số cá nhân có nhu cầu có thêm tên gọi khác bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành thì tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.
——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.
Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến việc thay đổi tên trong chứng minh nhân dân và hộ tịch xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.