tranh-chap-lao-dong-co-yeu-to-nuoc-ngoai

Khi Xảy Ra Tranh Chấp Lao Động Có Yếu Tố Nước Ngoài Cần Lưu Ý Những Vấn Đề Gì?

Tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài là gì?

Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Như vậy, tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động hoặc tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động mà có một bên trong quan hệ có quốc tịch nước ngoài hoặc không quốc tịch.[GU1] 

Những vấn đề cần lưu ý khi xử lý tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài?

Thứ nhất, về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động bao gồm:

1. Hòa giải viên lao động;

2. Hội đồng trọng tài lao động;

3. Tòa án nhân dân (không giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích).

tranh-chap-lao-dong-co-yeu-to-nuoc-ngoai

Thứ hai, tranh chấp lao động phải thông qua hòa giải của hòa giải viên lao động

Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Khoản 2 Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

Thứ ba, thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp:

Đối với hòa giải viên lao động: Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Đối với Hội đồng trọng tài lao động: Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Đối với Tòa án: Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.